Tình hình kinh tế hộ gia đình và tính dễ bị tổn thương trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 và các biện pháp can thiệp không dùng thuốc đã khiến nhiều người dân, đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số rơi vào tình trạng nghèo đói do mất việc làm, thiếu việc làm và mất thu nhập.
Tới cuối tháng 6 năm 2020, ước tính khoảng 30.8 triệu người ở Việt Nam đã bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 và 53.7 % người lao động phải đối mặt với việc giảm thu nhập.
Điều này thật sự đặt ra thách thức cho những nhóm người gặp bất ổn về tài chính, tiền nhà vượt quá khả năng chi trả, có nhu cầu cao về dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người lao động thu nhập thấp và người có việc làm không chính thức. Ví dụ, tỷ lệ nghèo trong số các hộ gia đình có người làm việc trong ngành may mặc có thể tăng gấp đôi từ 14% lên 28% do hậu quả của đại dịch . Hơn nữa, việc mất 50% thu nhập có thể làm tăng gấp đôi tỷ lệ nghèo trong thời gian sáu tháng đối với các hộ gia đình làm việc trong ngành dệt may, may mặc và sản xuất hàng da.
Một nửa số hộ gia đình tại khu vực nông thôn được khảo sát bởi Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho biết thu nhập trung bình giảm 38,3% từ các hoạt động nông nghiệp; 73% hộ được khảo sát cho biết thu nhập của họ từ các hoạt động phi nông nghiệp giảm trung bình 46,8%.
Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 có thể dẫn tới tình trạng mất việc làm trên diện rộng, đặc biệt là đối với những việc làm không chính thức tại Việt Nam. Nhiều người lao động từ “có việc làm” thành tạm thời bị cho nghỉ việc, thiếu việc làm hoặc thậm chí trở thành thất nghiệp trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19. Tính tới ngày 20/6/2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đã giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2019 và Chỉ số Sức khỏe Doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra dự báo sẽ giảm từ 62,5% trong Quý I năm 2020 xuống 30,9% trong Quý II. Khoảng 45,6% doanh nghiệp tư nhân và 25,8% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo cáo đạt được ít hơn 50% doanh thu so với kế hoạch đề ra trong Quý I năm 2020.
Đến giữa tháng 4 năm 2020, khoảng 5 triệu người lao động mất việc làm do đại dịch, bao gồm 1,2 triệu (24%) người lao động trong ngành công nghiệp chế biến và sản xuất, 1,1 triệu người trong ngành bán buôn và bán lẻ (22%), và 740.000 người trong ngành khách sạn (14,8%). Trong số 5 triệu người, 59% người bị tạm thời cho nghỉ việc, 28% bị cắt giảm hoặc luân chuyển công việc, 13% trở thành thất nghiệp.
Đến giữa năm 2020, Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính 10,3 triệu người lao động đã mất việc làm hay bị giảm thu nhập do đại dịch COVID 19.
Một đánh giá do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành chỉ ra rằng trong số 46 tỉnh thành tham gia đánh giá, hơn 76% doanh nghiệp được khảo sát đã giảm giờ làm việc của nhân viên thông qua một loạt các lựa chọn từ áp dụng giờ làm việc linh hoạt đến cho nghỉ việc. Đến giữa tháng Sáu năm 2020, số người được phê duyệt hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Ở cấp thành phố, chỉ riêng trong tháng 5, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đã tiếp nhận gần 11.700 đơn thất nghiệp, chiếm 41% số lượng đơn trung bình hàng năm.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, 26.000 công ty đã dừng hoạt động, mức tăng 36%. Khoảng 66% trong số 1.300 hộ gia đình được khảo sát ở khu vực nông thôn cho biết có thành viên là lao động nhập cư bị tạm thời mất việc làm hoặc bỏ việc do đại dịch COVID-1913. Hầu hết cha mẹ tham gia nghiên cứu định lượng và phỏng vấn định tính đều cho biết tình hình việc làm của họ (công việc chính và việc làm thêm) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch do nhiều người bị tạm thời cho nghỉ việc hoặc mất việc làm hoàn toàn.
Cụ thể, 57,4% hiện không có việc làm (như được trình bày tại Hình 1, 55,3% người cung cấp thông tin ở khu vực nông thôn, so với 44,7% người dân ở khu vực thành thị) và 25,7% làm công việc được trả lương thấp hơn (63,2% người người cung cấp thông tin ở khu vực nông thôn, so với 36,8% người ở khu vực thành thị được phỏng vấn) trong giai đoạn đại dịch. Tình trạng mất việc làm khiến thu nhập của nhiều người và gia đình tại Việt Nam giảm đáng kể. Khoảng 44,2% người tham gia cho biết họ không có thu nhập, 40,8% có thu nhập ít hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Nguồn: Unicef